Thông tin khoa học kỹ thuật

Phương pháp tự làm một số dung dịch xua đuổi, trừ sâu (côn trùng) thảo mộc

Bài viết cung cấp cho Quý vị một số phương pháp tự chế biến các dung dịch trừ sâu, côn trùng từ các loại cây cỏ trong vườn nhà. Các loại dung dịch này an toàn  khi sử dụng, không tồn đọng trong thức ăn của người và động vật, hơn nữa rất ít gây hại cho thiên địch và môi trường. Nhớ rằng, phương pháp quản lý dịch hại quan trọng đầu tiên nên làm là tạo môi trường cho thiên địch sinh sống và tăng độ màu mỡ của đất. Khi nào cây trồng bị tấn công bởi sâu bệnh nhiều, nghiêm trọng thì mới cần thiết sử dụng thuốc sinh học để kiểm soát

1. Cây sầu đâu (cây Neem): Cây sầu đâu được trồng phổ biến ở nước ta với tên gọi là cây xoan Ấn độ. Cây sầu đâu an toàn cho người, vật nuôi; thực tế lá sầu đâu còn được sử dụng làm thức ăn cho người, gia súc và dê.

Cách tạo hỗn hợp trừ sâu hại từ sầu đâu như sau: Thu gom trái sầu đâu chín mọng (vàng, không nên dùng còn xanh) và loại bỏ phần thịt quả bên ngoài (nếu còn dính vào hạt). Để khô ráo vài ngày trên chiếu (thảm), tránh mưa và nắng trực tiếp. Phải đảm bảo hạt đủ khô để nấm mốc không phát triển. Bảo quản hạt trong rổ hoặc bao đay, đừng dùng bao nhựa. Khi sử dụng, dùng cối giã hoặc chày để loại bỏ lớp vỏ hạt bên ngoài; đập nhẹ nhàng để không làm nát phần bên trong hạt, sau đó sàng lọc. Sau khi loại bỏ vỏ, tiến hành nghiền nát phần hạt bên trong thành bột. Chỉ tạo lượng vừa đủ để dùng, vì hiệu quả diệt sâu hại sẽ giảm dần sau vài ngày.

Trộn theo tỷ lệ 500 g bột sầu đâu với 120 lít nước xà phòng rửa chén (xà phòng giúp giải phóng đặc tính diệt sâu của sầu đâu, và giúp thuốc bám dính lên lá), sau đó để dung dịch qua một đêm. Lọc lại lần nữa và phun lên cả hai bề mặt lá.

Cách khác là giã nát vừa phải từ 250 g – 500 g hạt sầu đâu, bỏ vào túi vải và ngâm trong 10 lít nước qua đêm, sau đó phun lên sâu hại. Vị đắng của sầu đâu chỉ bị phân hủy sau ít nhất 4 ngày, do đó đừng nên phun quá gần ngày thu hoạch. Phun 2 lần trên tuần nếu bị nhiễm dịch hại nặng, còn nếu không thì chỉ phun cách nhau 7 – 10 ngày cho dịch hại nhẹ.

Để diệt chấy rận, ve bét trên vật nuôi, có thể áp dụng phun lên vật nuôi với nồng độ cao hơn. Đối với giun ký sinh đường ruột, cho vật nuôi ăn trực tiếp lá sầu đâu. Lá sầu đâu cũng có thể trộn với lúa gạo, ngủ cốc dự trữ để ngăn mối mọt tấn công. Sau khi đã tách nước từ dung dịch bột sầu đâu, phần xác thừa được nông dân Ấn Độ bón gốc cây để ngăn ngừa tuyến trùng hại rễ rất hiệu quả.

Có thể sử dụng cả lá, thân, vỏ của sầu đâu.. để làm thuốc.

2. Cây xoan ta

Dịch chiết từ lá: Ngâm qua đêm 500 gam lá xoan trong 5 lít nước, sau đó vò nát hoặc nghiền lá trong nước, lọc và thêm nước xà phòng rửa chén vào. Cách khác là nghiền nát 1 kg lá, trộn với 1 lít nước lạnh và lọc. Sau đó pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:5 và phun lên cây trồng.

Dịch chiết từ hạt: Gỡ bỏ lớp vỏ ngoài của hạt, nghiền từ từ 25 gam hạt đã loại bỏ vỏ, để vào túi vải mỏng ngâm qua đêm với 1 lít nước; sau đó vắt, lọc và thêm một ít xà phòng rửa chén vào. Hòa tan 1 ml hỗn hợp với 1 lít nước và phun.

Thường người ta có thể mua tinh dầu xoan để sử dụng mà không cần phải mất thời gian tự chế biến. Phương pháp này cũng mang lại hiệu quả diệt sâu cao, vì dịch chiết thường được lấy từ hạt.

3. Cây Dã quỳ

Dã quỳ đuổi mối rất hiệu quả. Bỏ lá dã quỳ vào thùng chứa, sau đó đổ nước vừa ngập tới mặt lá. Đậy lại cho lên men 4 ngày, đến khi nước chuyển sang màu đen và bốc mùi thì rót dung dịch ủ xung quanh những nhóm cây dễ bị mối tấn công hoặc rót lên tổ mối. Sẽ càng hiệu quả hơn nếu có thể pha lá xoan với lá dã quỳ theo tỷ lệ bằng nhau. Nhớ rằng, không được đổ dung dịch trực tiếp vào gốc cây.

4. Cốt khí lông vàng (Đoản kiếm)

Cốt khí thuộc nhóm cây họ đậu, nên cây có khả năng cung cấp đạm cho đất và có thể dùng để ủ phân xanh. Nghiền nát 1 kg lá cây và ngâm 2 giờ trong 5 lít nước, lọc qua vải thưa, sau đó phun lên sâu bệnh gây hại. Nên cẩn thận vì thuốc gây độc cho cá, người .. với liệu đậm đặc.

Để bảo quản đậu hoặc ngô khỏi mối mọt: phơi khô lá, nghiền thành bột, trộn 100 gam bột với 100 kg ngô hoặc đậu (để ngăn ngừa sâu, mọt và bọ cánh cứng). Cứ 3 tháng lặp lại một lần.

5. Cúc dại hoa trắng, cúc La mã,

Thu hoạch ngay khi hoa nở đầy đủ, phơi khô nhanh và bảo quản trong túi nilon kín. Khi sử dụng có thể nghiền nát thành bột, pha nước và phun lên cây nhiễm sâu bệnh; hoặc có thể ngâm trong dầu hỏa 24 giờ, lọc, hòa với nước theo tỷ lệ 1:10, sau đó bổ sung thêm một ít xà phòng giặt và phun ngay.

Một phương pháp khác, cắt nhỏ 1 kg cây cúc (chọn cây đang ra hoa). Bỏ vào thùng đậy chặt với 8 lít nước. Ủ khoảng 3 tuần, lắc thùng thường xuyên để quá trình lên men được tốt hơn. Lọc lấy nước và thêm vào 1 cốc dầu tỏi (garlic oil), 2 muỗng canh dầu khuynh diệp (bạch đàn) và nửa cốc bột xà phòng. Dung dịch được trộn đều và sử dụng. Phần còn dư có thể bỏ vào chai và lưu trữ ở nơi mát mẽ, tránh ánh sáng.

Chất pyrethrum từ các cây họ cúc tiêu diệt rệp vừng và sâu non rất hiệu quả. Tuy nhiên, chúng cũng gây độc cho cá và những thủy sinh vật khác, nên hạn chế sử dụng gần nguồn nước. Dung dịch này cũng tiêu diệt luôn cả côn trùng có ích, riêng ong và ong mắt đỏ ký sinh chỉ bị xua đuổi mà không chết. Mặc dù chất pyrethrum không gây độc cho người, nhưng có thể tác động chóng mặt nếu tiếp xúc nhiều. Độc lực của chúng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn sau khi phun, sau đó chúng sẽ bị phân rã nhanh chóng dưới ánh nắng mặt trời và phân rã cả trong đất. Thời gian tốt nhất để phun là chiều tối, ngày hôm sau chất độc sẽ bị phân hủy hết.

6. Cúc vạn thọ

Dịch chiết từ cây này được sử dụng để kiểm soát những côn trùng nhỏ, tuyến trùng như là chất xua đuổi. Nhét lá và hoa vào 2/3 thùng chứa, bỏ thêm húng quế hoặc ớt, tất cả đều được cắt nhỏ. Đổ thêm nước vào và ngâm khoảng 5-7 ngày. Lọc lấy nước, bỏ thêm 30 gam xà phòng cho 5 lít dung dịch. Đối với cây non, pha loãng dung dịch với nước theo tỷ lệ 1:5, cây trưởng thành thì pha tỷ lệ 1:1.

7. Cây thầu dầu

Lấy 1 kg hạt thầu dầu (cả vỏ) nghiền và hòa vào 2 lít nước, đun nóng trong 10 phút. Đổ vào thêm 2 muỗng dầu hỏa và một ít xà phòng. Hòa tan với 10 lít nước và phun ngay lên cây trồng bị gây hại bởi sâu, rệp vừng và bọ.

8. Đu đủ  

Cắt nhỏ 1 kg lá đu đủ tươi, sau đó ngâm vào 10 lít nước, thêm 2 muỗng dầu hỏa và một ít xà phòng, ngâm ít nhất 2 giờ. Lọc nước và phun để phòng trừ sâu, rệp vừng và bọ.

9. Tỏi   

Tỏi có khả năng phòng trừ rệp vừng và sâu hiệu quả nhất, tỏi cũng tiêu diệt sên trần (có thể phun trực tiếp lên cây hoặc đất trồng) và những sâu bệnh gây hại có thân mềm. Chế phẩm từ tỏi còn được bán ở một số nơi trên thế giới.

Công thức chế biến sau được áp dụng để trị bọ da , ấu trùng sâu bọ gây hại, bướm trắng hại bắp cải và chấy rận: trộn 85 gam tỏi cắt nhỏ với 2 muỗng canh dầu paraffin, ngâm khoảng 45 giờ, hòa 7 gam xà phòng với nửa lít nước nóng, sau đó trộn cùng với dung dịch ngâm, lọc và dự trữ trong chai lọ. Khi sử dụng, hòa với nước theo tỷ lệ 1:100 và phun, tùy theo mức độ gây hại của sâu bệnh, có thể tăng nồng độ cao hơn khi pha.

Cách tương tự: cắt nhỏ hoặc nghiền 3-4 củ tỏi (khoảng 100 gam), trộn với 40 ml dầu khoáng, 500 ml nước và 25 gam bột xà phòng. Ngâm trong vòng 24 giờ, sau đó lọc lấy nước. Khi sử dụng, pha loãng dung dịch với nước theo tỷ lệ 15 ml dung dịch cho 1 lít nước.

Một cách hiệu quả khác nữa: lấy 3 tép tỏi giã nát trộn với 1 muỗng canh dầu thực vật, ngâm qua đêm, sau đó lọc lấy dung dịch và đổ thêm 1 lít nước, 1 muỗng cà phê xà phòng

10. Ớt

Nghiền nát 40-50 trái ớt trong 1 lít nước nóng. Lọc, bỏ thêm 1 lít nước và 5 gam xà phòng. Phun để trừ rệp vừng, kiến và những côn trùng có thân mềm khác.

Cách khác, đun 4 cốc ớt trong 3 lít nước khoảng 15 phút. Tắt lửa và đổ thêm 3 lít nước nữa. Lọc, đổ thêm xà phòng và phun để kiểm soát sâu non, rệp vừng, ruồi, kiến và rệp sáp.

Một số loại cây khác: Có rất nhiều loài cây được sử dụng để kiểm soát dịch hại khắp nơi trên thế giới. Công thức chung như sau: đun 200 gam lá cây với 1 lít nước, sau đó có thể sử dụng như là thuốc trừ sâu bệnh (nếu có thể, tốt nhất nên tự thử nghiệm lại thời gian đun, hàm lượng và cách sử dụng cho hiệu quả hơn với từng đối tượng cây trồng và dịch hại).

Những cây này bao gồm: Cây thuốc lá , thuốc lào. Cây chùm ngây. Cây trâm ổi (ngũ sắc, thơm ổi). Cây mật gấu (Vernonia amygdalina, cây lá đắng). Ngoài công dụng diệt sâu, cây này còn được sử dụng như rau ăn và bài tiết giun sán trong ruột vật nuôi. Cây lô hội (Aloe vera, nha đam). Cây bạch đàn cầu vồng (Eucalyptus). Cây đơn buốt (Bidens pilosa, quỷ trâm thảo, song nha lông, râu bộ binh) , hạt mã tiền, hạt củ đậu, cây thàn mát…vv

Nguồn: Ứng Dụng Nguyên Tắc Quản Lý Côn Trùng, Dịch Bệnh Và Cỏ Dại Mà Không Cần Dùng Thuốc Hóa Học do Alan Broughton biên soạn (dịch bởi Phạm Tấn Đạt)

Ảnh: Bạn Voọc chà vá chân nâu -"Nữ hoàng linh trưởng" đang thưởng thức  cây Thàn mát - một loại lá cây có dược tính để làm thuốc trừ sâu thảo mộc., nguồn https://www.danang.gov.vn